Tài khoản

Những điều mẹ cần biết về phương pháp đẻ không đau - Gây tê ngoài màng cứng (P1)

Sinh con là thiên chức và niềm hạnh phúc của người phụ nữ, thế nhưng cơn đau đẻ lại là “ác mộng” của hầu hết chị em, có nhiều người sợ đau đẻ đến mức xong “nhiệm vụ lần một” rồi thề sống thề chết nhất định không đẻ đứa thứ hai. Nhưng các mẹ cũng không cần quá lo lắng về việc này vì ngày nay khoa học kỹ thuật phát triển đã hỗ trợ rất nhiều cho việc “vượt cạn” của các mẹ bầu, trong đó phải nói đến kỹ thuật đẻ không đau bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng.

Gây tê ngoài màng cứng là gì?

Đây là phương pháp gây tê được sử dụng phổ biến trong nhiều loại phẫu thuật lớn nhỏ khi cần gây tê cục bộ và được áp dụng phổ biến trong sản khoa, cho cả hai phương pháp sinh thường và sinh mổ.

Gây tê ngoài màng cứng, hay còn được biết đến là phương pháp đẻ không đau, là một lựa chọn cực hợp lý cho công cuộc chuyển dạ sinh thường đối với những mẹ sinh khó hoặc quá sợ đau và không có quá nhiều bất thường về sức khỏe.

Thủ thuật này sẽ giúp mẹ giảm đau liên tục tại phần dưới cơ thể trong khi mẹ vẫn tỉnh táo và có ý thức với toàn bộ cơ thể mình. Nó gây ức chế cảm giác tại vùng cần giảm đau nhưng không làm mẹ trở nên tê liệt toàn bộ cơ thể. Lựa chọn gây tê ngoài màng cứng, mẹ bầu sẽ ít phải chịu đau, từ đó đỡ mất sức và chuyển dạ dễ dàng hơn. Các mẹ sinh mổ cũng được gây tê ngoài màng cứng trước khi bác sĩ tiến hành mổ bắt con.

Thuốc được dùng trong gây tê ngoài màng cứng thường là hỗn hợp của chất gây tê cục bộ và chất gây mê. Thuốc gây tê cục bộ sẽ “khoá” cảm giác đau, xúc giác, dịch chuyển và nhiệt độ, còn thuốc gây mê ngăn cơn đau ảnh hưởng đến khả năng cử động chân (rất quan trọng để tăng lực rặn nếu bạn sinh thường). Khi được kết hợp với nhau, chúng giúp giảm đau tốt mà không làm mất cảm giác vận động chân và chỉ cần dùng ở liều thấp hơn so với dùng riêng rẽ từng loại.

Những đối tượng đủ điều kiện thực hiện phương pháp gây tê ngoài màng cứng khi chuyển dạ

Là một thủ thuật giảm đau phổ biến trong sản khoa nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện để thực hiện gây tê ngoài màng cứng khi chuyển dạ, mẹ bầu sẽ không thể áp dụng thủ thuật này nếu:

  • Mẹ bầu đã hoặc đang dùng thuốc chứa chất làm loãng máu trong thai kỳ.

  • Huyết áp thấp hơn bình thường (do nguy cơ xuất huyết và nhiều vấn đề khác).

  • Xét nghiệm cho thấy máu mẹ bầu không đủ tiêu chuẩn, mẹ bầu bị rối loạn chảy máu hay nhiễm trùng máu.

  • Thừa cân hoặc chảy máu quá nhiều cũng không thể áp dụng phương pháp gây tê ngoài màng cứng.

  • Bị nhiễm trùng da ở vùng lưng sẽ tiến hành thủ thuật.

  • Mẹ bầu có cơ địa dị ứng với thuốc gây tê.

  • Mẹ bầu có cổ tử cung đã mở 8-10cm để sinh thường.

Quy trình thực hiện thủ thuật gây tê ngoài màng cứng

  • Trước hết, các mẹ sẽ được bác sĩ sản khoa khám toàn diện để đảm bảo thủ thuật này phù hợp với sức khỏe và tình trạng của mẹ. 

  • Việc chuyển dạ tự nhiên luôn được khuyến khích nên hầu hết các kíp đỡ đẻ đều sẽ đợi cho đến khi cổ tử cung của các mẹ mở khoảng 3-4cm và bắt đầu có nhịp co thắt đều đặn thì mới bắt đầu gây tê vì lo ngại gây tê sẽ làm giảm co thắt tự nhiên để đẩy em bé ra ngoài, khiến cuộc vượt cạn kéo dài và khó khăn hơn bình thường.

  • Các mẹ sẽ nằm giường riêng biệt (đây là giường chuyên dụng có chức năng làm bàn đẻ, mẹ sẽ sinh em bé tại giường đó), mẹ sẽ được nằm theo dõi tại giường luôn sau khi gây tê màng cứng. 

  • Tư thế nằm của mẹ là nghiêng bên trái, co người, cong lưng lại. Hoặc các mẹ sẽ được ngồi cúi người sao cho cằm đụng ngực để có thể cong lưng lại. Tư thế ngồi sẽ rất khó khăn vì bụng quá bự cản trở thao tác, đặc biệt là đối với những mẹ đang có cơn gò tử cung thì lại càng khó khăn hơn khi ngồi cúi như vậy.

  • Tiếp đó, bác sĩ sẽ sát trùng thật nhanh vùng thắt lưng cho mẹ.

  • Một chiếc kim rất to sẽ được sử dụng để tiêm vào vùng xương sống của các mẹ. Có thể, các mẹ sẽ hốt hoảng khi nhìn thấy mũi tiêm quá to, nhưng không sao đâu, hoàn toàn không đau như các mẹ tưởng tượng. Sẽ chỉ nhói một cái như khi tiêm bình thường hoặc rát một chút thôi. Các mẹ hãy cứ ngồi yên, thở nhẹ và sâu, thư giãn, không cử động và làm theo chỉ dẫn của bác sĩ nhé.

Ngồi cong lưng là một tư thế gây tê ngoài màng cứng phổ biến.

  • Sau khi kim đã yên vị ở xương sống, bác sĩ sẽ lấy kim ra và để lại ống mềm trong lưng. Lúc này, bạn đã có thể nằm thẳng bình thường mà không bị khó chịu vì ống thông.

  • Sau quá trình đặt ống thông, bạn sẽ được truyền một liều thuốc tê thử nghiệm để chắc chắn là ống gây tê ngoài màng cứng được đặt đúng chỗ để tiến hành truyền đủ liều thuốc tê nếu không có vấn đề gì. 

  • Thuốc tê sẽ được truyền vào người bạn thông qua kim mềm. Thuốc vào đến đâu, bạn cảm thấy mát đến đó, sau đó là cảm giác tê tê, cuối cùng là hoàn toàn mất cảm giác ở nửa thân dưới kể từ bụng. Đối với sinh mổ, ngay cả bàn chân cũng không có cảm giác và bạn không thể nhấc chân lên được. 

  • Bạn sẽ bắt đầu thấy tê sau 10-20 phút từ liều đầu tiên, dù cho tế bào thần kinh ở tử cung bắt đầu tê liệt chỉ trong vài phút. Sau khi được tiêm thuốc tê vào người, các mẹ sẽ mất cảm giác đau từ bụng đến hai chân nhưng vẫn tỉnh hoàn toàn. Vì vậy, mẹ vẫn nhận biết được khi có cơn co tử cung và đặc biệt là mẹ vẫn rặn đẻ được bình thường.

  • Bạn sẽ tiếp tục được truyền thêm thuốc qua ống truyền trong suốt quá trình sinh nở.

  • Nhịp tim của thai nhi sẽ được theo dõi liên tục trong suốt quá trình, bắt đầu từ việc gây tê đến khi người mẹ hoàn tất quá trình sinh nở. Huyết áp của bạn cũng được đo mỗi 5 phút sau khi gây tê để đảm bảo không có ảnh hưởng tiêu cực.

  • Sau khi em bé chào đời, ống truyền sẽ được tháo bỏ. Nếu bạn sinh mổ, ống truyền có thể được giữ lại để truyền thuốc kiểm soát cơn đau hậu phẫu.

Mời mẹ tìm hiểu thêm về ảnh hưởng của phương pháp gây tê ngoài màng cứng đến mẹ và bé tại bài viết: Gây tê ngoài màng cứng (P2): Ảnh hưởng của phương pháp gây tê ngoài màng cứng đến mẹ và bé.


09/2017.  Có 26 thích.   Đã có 17 phản hồi.
  Thích
  Facebook